Hơn một nửa người tiêu dùng Việt Nam hay tìm các sản phẩm khuyến mại khi đang đi mua sắm, trong khi tỷ lệ này trong khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ là 38%. > Những chiêu khuyến mại lạ thời lạm phát
Các chương trình khuyến mại, giảm giá thường xuyên xuất hiện trên đường phố Việt Nam thời gian qua.
Ảnh: Tuệ Minh
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen hôm qua công bố báo cáo thường niên mang tên Xu hướng tiêu dùng, trong đó tìm hiểu về hoạt động mua sắm của người tiêu dùng tại 4 thành phố lớn TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Báo cáo được thực hiện trong tháng 10-11 năm ngoái, trên cơ sở phỏng vấn 1.500 người độ tuổi từ 18 tới 65, những người thường mua sắm và ra quyết định mua hàng chủ yếu trong gia đình.
Kết quả khảo sát cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có thói quen mua sắm tạp hóa tại một nơi quen thuộc. 85% người được hỏi nói rằng họ trung thành với một cửa hàng. 60% cho biết đó là cửa hàng gần nhà hoặc gần chỗ làm.
Tuy nhiên, họ cũng không dễ bỏ qua cơ hội mua hàng giảm giá. 87% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng mua hàng khuyến mại, trong khi tỷ lệ bình quân khu vực chỉ là 68%. 56% người tiêu dùng Việt Nam hay tìm các sản phẩm khuyến mại khi đang đi mua sắm, so với mức 38% của khu vực.
Người Việt Nam thường rất kỹ tính chọn sản phẩm thiết yếu hằng ngày như sữa, thức uống có cồn và sản phẩm chăm sóc cơ thể. Hơn 45% nói rằng họ sẽ xem khắp nơi để tìm các thương hiệu họ biết hoặc quen thuộc với họ. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của khuyến mại, giảm giá có thể khiến họ "dễ tính" hơn. 50% người tiêu dùng cho biết sẽ thay thế các thương hiệu thức uống và đồ ăn nhẹ quen thuộc bằng những thương hiệu tương đương khác nhưng có giá rẻ hơn hoặc có chương trình khuyến mại.
Các chuyên gia Nielsen lý giải nguyên nhân khiến người Việt "nghiện" khuyến mại hơn những nơi khác trong khu vực là giá các mặt hàng nhu yếu phẩm leo thang, vì vậy, họ phải quan tâm nhiều hơn tới giá trị thực sự của các sản phẩm.
"Lạm phát và việc tiền đồng trượt giá có tác động rất rõ ràng lên một người tiêu dùng Việt Nam bình thường. Địa điểm vẫn là yếu tố được người tiêu dùng quan tâm nhất khi mua sắm, nhưng các nhà bán lẻ cần hiểu thật rõ rằng người tiêu dùng đang ngày càng ưa thích hàng khuyến mại hơn – và sẵn sàng thay đổi thương hiệu hoặc những cửa hàng quen thuộc của mình", ông Darin Williams, Tổng giám đốc Nielsen Vietnam đã nói.
Theo ông Williams, các nhà bán lẻ cũng nên được tư vấn kỹ càng để sử dụng những hình thức khuyến mại độc đáo, các vật dụng hỗ trợ tại điểm bán và nhiều phương pháp khác để thu hút và giữ chân người tiêu dùng. Ông dự báo thị phần của những nhãn hàng riêng – dù phát triển chậm trong những năm vừa qua – sẽ nổi lên và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong một số ngành hàng vì người tiêu dùng đang muốn tiết kiệm hơn nhưng chất lượng vẫn phải được đảm bảo theo.
"Chỉ những thương hiệu và các cửa hàng kết hợp được sự tiện lợi, giá trị và chất lượng mới có cơ hội tốt để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn này", ông nói thêm.
Giá lương thực và nhiên liệu cao đi kèm với sự trượt giá liên tục của tiền đồng đã khiến chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm 5 điểm, xuống còn 98 trong quý I theo báo cáo về “chỉ số niềm tin của người tiêu dùng” của Nielsen. Người Việt Nam cũng cảm thấy bớt lạc quan hơn về tình hình tài chính cá nhân và những vấn đề trước mắt.
Nielsen cũng chỉ ra rằng khả năng mua sắm của 60% người tiêu dùng Việt Nam ở TP HCM và Hà Nội đã giảm xuống vì giá cả leo thang. Chính vì vậy, người tiêu dùng cũng đang phải cắt giảm chi tiêu vào các hoạt động giải trí như đi ăn tối, thư giãn, du lịch… Thói quen mua sắm của họ cũng phải thay đổi ít nhiều, như giảm số lần đi mua sắm hoặc giảm số lượng hàng mua mỗi lần, mua nhiều hàng khuyến mại hơn hoặc ghé qua ở những cừa hàng gần nhà đề tiết kiệm xăng.